image banner
Người lao động bị “đẩy đi” bằng một quyết định không hợp pháp

Bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng

Theo hồ sơ vụ việc, ông Lê Văn Du bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH Green Optics Vina (thuộc khu công nghiệp Mỹ Phước 3, phường Thới Hòa, thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương) từ năm 2018, vị trí Quản lý sản xuất, theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, mức lương hơn 32 triệu đồng mỗi tháng. Suốt thời gian làm việc, ông Du không bị xử lý kỷ luật hay vi phạm nội quy lao động.

Ngày 4/9/2023, ông bất ngờ nhận được Thông báo số GOVN-TB2023 từ Công ty Green Optics Vina, nội dung: “Không còn nhu cầu sử dụng lao động đối với vị trí ông Du đang đảm nhiệm”. Sau đó, ông chính thức bị cho nghỉ việc theo Quyết định số GOVN/QĐ-06/2023, lý do được nêu là “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Người ký cả thông báo và quyết định là bà Trần Thị Chúc Linh – Phó Giám đốc Công ty. Tuy nhiên, ông Du phát hiện, bà Linh là người không được công ty ủy quyền ký hợp đồng lao động hoặc ký quyết định đơn phương vì giấy ủy quyền của bà Linh có hiệu lực từ ngày 02/01/2024 trong khi quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông lại ký từ tháng 9/2023. Tức là, tại thời điểm ban hành quyết định, bà Linh không có thẩm quyền hợp pháp.

Sau khi bị cho nghỉ việc đột ngột, ông Lê Văn Du đã tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Bình Dương để được hỗ trợ về pháp lý. Tại đây, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm – xem xét hồ sơ và nhận ủy quyền đại diện ông Du khởi kiện công ty ra Tòa án nhân dân thành phố Bến Cát, yêu cầu bảo vệ quyền lợi người lao động theo quy định pháp luật.

anh tin bai

Giấy ủy quyền của bà Linh có hiệu lực từ ngày 02/01/2024 trong khi quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Du lại ký từ tháng 9/2023.

Theo đơn khởi kiện, ông Du yêu cầu Tòa án buộc Công ty Green Optics Vina nhận ông trở lại làm việc đúng vị trí cũ; thanh toán hơn 739 triệu đồng tiền bồi thường thiệt hại vì đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật; truy đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho toàn bộ thời gian ông Du không được làm việc.

Trong quá trình tố tụng, phía người lao động đưa ra nhiều căn cứ cho rằng việc chấm dứt hợp đồng không tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Lao động 2019 cũng như vi phạm nghiêm trọng trình tự xử lý kỷ luật nếu có hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Dũng, người đại diện theo ủy quyền của ông Du, cung cấp cho Tòa và báo chí một loạt điểm đáng nghi trong vụ việc. Cụ thể là Công ty tự tạo các biên bản xử lý kỷ luật sau khi vụ việc xảy ra, với thời gian bất hợp lý, không có biên bản vi phạm ban đầu. Không có quyết định xử lý kỷ luật hợp pháp nào được ban hành – trong khi vẫn căn cứ vào “vi phạm nội quy” để đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Bà Trần Thị Chúc Linh – vừa là Phó Giám đốc Công ty, vừa là Chủ tịch Công đoàn cơ sở – lại là người chủ trì cuộc họp kỷ luật ông Du.

Trong khi đó, ông Đồng Văn Bắc – Phó Chủ tịch Công đoàn, người từng làm đơn tố cáo ông Du – lại được đưa vào cuộc họp với vai trò là người bảo vệ ông Du. Đây là điều trái với nguyên tắc khách quan và luật định về thành phần xử lý kỷ luật.

Ông Dũng nhấn mạnh: "Việc xử lý như vậy không chỉ vi phạm pháp luật lao động mà còn cho thấy sự suy giảm vai trò thực chất của công đoàn cơ sở, khi đại diện người lao động lại là người góp phần buộc người lao động rời khỏi doanh nghiệp".

Ngày 12/5/2025, Tòa án Nhân dân thành phố Bến Cát đưa vụ án ra xét xử công khai. Trong phần tuyên án, Hội đồng xét xử nhận định:

“Quá trình làm việc, ông Du có hành vi ứng xử không chuẩn mực với nữ công nhân, chèn ép người lao động, thường xuyên uống rượu trước giờ làm việc, quản lý yếu kém. Dù công ty đã nhắc nhở nhưng ông Du không thay đổi. Do đó, công ty có căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng theo Điều 14 Nội quy lao động và khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019. Về trình tự, công ty thực hiện đúng quy định”. Tòa tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Du.

Những khuất tất cần làm rõ

Ngay sau đó, ngày 13/5/2025, ông Nguyễn Văn Dũng đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu xem xét lại toàn diện các chứng cứ, bao gồm cả tính hợp lệ của người ký quyết định.

anh tin bai

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương - người đại diện của ông Lê Văn Du theo ủy quyền.

Phản hồi bản án, ông Nguyễn Văn Dũng chỉ ra hàng loạt sai sót pháp lý của Tòa sơ thẩm. Đáng chú ý là việc lẫn lộn giữa xử lý kỷ luật và chấm dứt hợp đồng lao động: Nếu ông Du thực sự vi phạm nội quy, thì công ty phải thực hiện đầy đủ quy trình kỷ luật (biên bản, cuộc họp, quyết định xử lý, thông báo…) theo Điều 122 và 123 Bộ luật Lao động, cũng như khoản 4, Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

“Không thể vừa nói người lao động vi phạm, nhưng lại không ra quyết định kỷ luật mà chỉ đơn phương chấm dứt. Đây là hai cơ chế hoàn toàn khác nhau về bản chất pháp lý”, ông Dũng nói và cho biết thêm: Tòa đã bỏ qua tính hợp pháp của người ký quyết định. Cụ thể là Tòa sơ thẩm không đánh giá việc bà Trần Thị Chúc Linh ký quyết định khi chưa có hiệu lực ủy quyền là sai quy trình nghiêm trọng. Ngoài ra cũng không xem xét toàn diện chứng cứ và yếu tố công bằng tố tụng, khi các thành viên công đoàn bị cho là thiên vị doanh nghiệp.

Theo ông Dũng, trong những vụ việc như thế này, nếu có vi phạm nội quy thì phải xử lý bằng quy trình kỷ luật đúng luật, có chữ ký của người có thẩm quyền hợp pháp. Chỉ khi không có vi phạm mà doanh nghiệp vẫn muốn chấm dứt, thì mới được áp dụng Điều 36 Bộ luật Lao động – với điều kiện không rơi vào các trường hợp người lao động đang mang thai, nghỉ phép, điều trị tai nạn lao động.

Các sai sót về thẩm quyền và quy trình xử lý có thể là căn cứ để Tòa phúc thẩm xem xét lại toàn diện vụ việc. “Nếu chứng minh được người ký không có quyền tại thời điểm ban hành văn bản, thì quyết định chấm dứt hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hiện nay, vụ việc đã được ông Lê Văn Du kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, chờ Tòa án cấp phúc thẩm xem xét. Phiên tòa phúc thẩm tới đây không chỉ là cơ hội cuối cùng để ông Lê Văn Du tìm lại công bằng cho riêng mình, mà còn là phép thử đối với việc áp dụng pháp luật lao động trong thực tiễn. Người lao động có quyền kỳ vọng vào một phán quyết công tâm, nơi mà thẩm quyền, trình tự và bản chất sự việc được soi xét đến tận cùng. Bởi trong mọi tranh chấp, điều họ mong đợi không chỉ là một bản án, mà là một sự công bằng có lý, có tình.

 

Tạp chí Lao động và Công đoàn

Thư viện video
  • Triệu tấm lòng hướng về đồng bào vùng bão lũ ̣̣- Nguồn video: Báo Bình Dương
  • Chuyến xe nghĩa tình Bình Dương xuất phát đến với nhân dân tỉnh Lào Cai
  • Công đoàn Bình Dương phát động ra quân hưởng ứng "Ngày thứ Bảy văn minh"
  • Công đoàn Sông Bé - Bình Dương, 95 năm đồng hành cùng đất nước
  • Khoảnh khắc đẹp tại Lễ cưới tập thể Công đoàn Bình Dương 2024
1 2 3 
Kết nối với chúng tôi
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 451
  • Trong tuần: 4 078
  • Tất cả: 2894751
Bản quyền thuộc LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH DƯƠNG
Địa chỉ: Tầng 11, Tháp B, Tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Dương
Điện thoại: 0274.3 822 148    Fax: 0274.3 848 198
Email:  vanphong.ldld@binhduong.gov.vn